Câu chuyện làm công tác chủ nhiệm

NỘI DUNG CÂU CHUYỆN THAM DỰ PHẦN THI KỂ CHUYỆN
Tên truyện: Thưa thầy! Em trót…dại
 
Tôi ra trường đến nay đã được 7 năm, 7 năm đối với cuộc đời của một người giáo viên thì chưa phải là dài nhưng với tôi chừng ấy thời gian cũng đã kịp gieo vào lòng mình biết bao kỉ niệm. Có những kỉ niệm nhẹ nhàng và thoảng qua, có những kỉ niệm có lẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Và hôm nay tôi xin kể lại câu chuyện về 1 cậu học trò nhỏ. Câu chuyện có tựa đề: Thưa thầy! Em trót…dại.
Chuyện xảy ra cách đây cũng khá lâu rồi. Hồi đó, tôi được giao nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 4. Tôi nhớ hôm đó, đầu giờ có phụ huynh đến đóng tiền học, ghi chép cận thận, tôi gấp tiền vào sổ để một góc trên bàn tiếp tục giảng bài. Trống đánh ra chơi tôi để mọi thứ trên bàn làm việc của mình rồi xuống văn phòng uống nước. Hết giờ ra chơi, trở lại lớp tôi đã phát hiện ra mình bị mất tiền, một tờ 200000 đồng không cánh mà bay. Tôi bèn hỏi học sinh: “Trong giờ ra chơi có em nào chơi trong lớp không?”. Có mấy học sinh nữ chưa biết chuyện gì nhưng nghe thầy hỏi liền nói: “Thưa thầy! chúng em có chơi nhảy dây ở cuối lớp ạ!”. Tôi lại hỏi tiếp: Thế ngoài ra các em có thấy ai không? Cả lớp đồng thanh trả lời: Thưa thầy không ạ!. Có một số nhóm bàn tán “Có chuyện gì mà thầy hỏi thế nhỉ”. Một em mạnh dạn đứng lên hỏi: Thưa thầy ! Có chuyện gì không ạ? Tôi nhìn các em một lượt và nhẹ nhàng nói: “Các em ạ, thầy có rơi một tờ tiền mệnh giá 200000 đồng, có em nào nhìn thấy và nhặt hộ thầy không?”. Đến lúc này thì cả lớp xôn xao rồi đồng thanh trả lời “Thưa thầy không ạ!”
Tôi nhìn quanh một lượt xuống lớp và bất chợt dừng lại ở Toàn (Một học sinh ít nói nhưng nghịch ngầm). Bằng con mắt và linh cảm của người thầy, tôi nhận ra “thủ phạm” lấy tiền. Tôi bảo cả lớp: “Nếu các em không nhìn thấy thì thôi. Chúng ta học bài. Thầy hơi buồn vì trong lớp mình xảy ra chuyện không hay”. Trong khi giảng bài, tôi thấy Toàn thỉnh thoảng lại “nhìn trộm” tôi như vẻ “thăm dò”. Tôi vờ như không biết để em nghĩ là thầy chưa biết gì. Cuối buổi học, tôi mời em ở lại gặp riêng. Khi nghe tôi hỏi Toàn cúi mặt ấp úng nói: “Thưa thầy…em không biết ạ…!”. Tôi nhẹ nhàng và để em đi về. Lúc này linh cảm của tôi gần như chắc chắn là đúng. Tôi bắt đầu tìm hiểu cụ thể về trường hợp em Toàn thì được biết em ở với ông bà nội. Ông bà em đã ngoài 70 tuổi rồi, còn bố em đi lao động ở Đài Loan. Toàn được ông khá chiều nên hay la cà ở các quán và cũng rất hay ăn quà vặt. Từ hôm đó, tôi không bao giờ nhắc lại sự việc đó mà dành nhiều sự quan tâm hơn đến em. Đồng thời tôi còn động viên lớp giúp đỡ bạn. Cũng vì thế Toàn chăm học hơn. Thế rồi, cho đến một buổi chiều, sau hồi trống trường điểm hết giờ học cả lớp ra về hết, còn Toàn vẫn loay hoay dưới lớp, bỗng Toàn đứng lên, mặt hơi cúi xuống, nói nhỏ trong nghẹn ngào: “Thưa thầy, em xin lỗi thầy…em trót…dại…ạ!”. Tôi đã hiểu mọi chuyện. Tôi ân cần đến gần em, nhẹ nhàng: “Em đã nhận ra sai lầm của mình thế là tốt, dù số tiền đó có quý nhưng quan trọng là em đã nhận ra lỗi và dũng cảm nhận lỗi, như vậy thầy sẽ tha thứ”. Rồi tôi bảo Toàn “Em hãy về nhà đi nhé kẻo muộn”. Tôi như hiểu ý của Toàn, để tránh sự bàn tán của các bạn trong lớp và để giữ lòng tự trọng cho em tôi không nói ra trước lớp. Còn về Toàn, từ khi dũng cảm nhận lỗi tôi thấy em phấn chấn, ngoan và chăm học hơn đặc biệt rất ít ăn quà vặt, em tiến bộ rất nhiều.
Thời gian thấm thoát trôi qua, bây giờ Toàn đã lên trung học cơ sở, còn tôi cũng chuyển về dạy ở một trường tiểu học khác trong huyện.
Các bạn ạ. Câu chuyện của tôi là thế đấy. Qua câu chuyện này, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn một điều rằng: Là người giáo viên, chúng ta phải luôn quan tâm, giúp đỡ các em đồng thời cũng cần kịp thời phát hiện và giáo dục các em ngay từ đầu để tiếp thêm niềm tin cho các em trên những bước đường tương lai.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đình Thương